1. Đối xử với con như người trưởng thành
Một số phụ huynh có cách dạy con theo kiểu coi con như người trưởng thành, họ để trẻ tự giải quyết khó khăn và coi đó là cách rèn luyện tính tự lập. Tuy nhiên cách này rất dễ phản tác dụng vì khả năng tư duy của trẻ còn hạn chế, việc cư xử cứng nhắc như vậy tác động xấu đến tâm tư tình cảm của con. Ai cũng mong muốn con cái mình giỏi giang và mau trưởng thành nhưng không nên khiên cưỡng và áp đặt trẻ phải thế này thế kia.
Chẳng hạn, với một đứa trẻ 2 tuổi, tất cả những gì chúng có thể làm là ăn, chơi chạy nhảy, bi bô tập nói, nhưng nhiều phụ huynh lại muốn con xem các video không phù hợp, dạy chúng học những thứ quá tầm, mua những thứ đồ chơi quá tuổi. Họ hy vọng những việc làm của mình sẽ khiến trẻ thông minh và sáng tạo hơn, kết quả thật khó đạt như mong đợi.
2. Bắt con học tập quá tải
Cuốn theo guồng quay cuộc sống hiện đại, nhiều phụ huynh không muốn con mình bị tụt hậu, vì vậy đã lên 1 lịch trình dày đặc. Sáng cho trẻ đi học nhạc, chiều học vẽ, tối làm bài tập về nhà, cuối tuần học các môn thể thao,… Con phải chạy đua với những đứa trẻ khác để đạt được điểm số hay thành tích cao như cha mẹ kỳ vọng. Điều này dẫn đến sự quá tải và gây ra những áp lực vô hình cho trẻ, chúng không đủ thời gian để vui chơi, tự khám phá cuộc sống xung quanh.
Các nghiên cứu khoa học đều đồng thuận rằng, việc để con trẻ vui chơi tự do sẽ kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng tư duy của chúng. Việc bắt trẻ tham gia quá tải các lớp học ngoại khóa hay chính khóa có thể dẫn đến kết quả tai hại như căng thẳng đầu óc, chán ăn hay thậm chí là căn bệnh tự. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ giải thích rõ: "Chơi là yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển tự nhiên vì nó góp phần hình thành nhận thức, thể chất và tình cảm của trẻ em và thanh thiếu niên."
3. Gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần
Việc làm tai hại nhất của cha mẹ là đánh đập và xúc phạm con cái. Việc mắng chửi hay mạt sát con cái khá phổ biến đến mức nhiều phụ huynh thậm chí không nhận ra mình đang như vậy. Những từ ngữ thô tục thốt ra không rút lại được và nó sẽ gây ấn tượng tiêu cực lên suy nghĩ của con trẻ. Khi bạn quát con mình câm, cút đi hoặc bất cứ điều gì tương tự, nó chạm tới lòng tự trọng của chúng, ấn tượng xấu về cha mẹ có khi theo trẻ suốt cuộc đời. Tác hại của việc này rất khó kiểm soát, vì vậy hãy thật cẩn thận với những những phát ngôn trong gia đình.
4. Để con vướng vào những vấn đề của người lớn
Đừng bao giờ để con cái bị nhiễm những thói xấu hoặc những vấn đề tiêu cực của cha mẹ. Thử tưởng tượng đứa con sẽ xấu hổ với bạn bè thế nào nếu cha mẹ nghiện ngập hay cờ bạc nợ nần. Ngoài ra, 1 trường hợp khá phổ biến mà cha mẹ đang vô tình làm hại con mình là trong quá trình ly hôn, 1 trong 2 người cố gắng lôi kéo con chống lại người kia, điều này gây tổn thương sâu sắc đến tình cảm của trẻ. Bởi vậy, nếu bạn ly dị thì cố gắng không nói xấu người cũ của mình trước mặt con cái.
5. Tạo áp lực
Cha mẹ muốn con thành công là điều hiển nhiên, nhưng mong muốn này đôi khi biến thành sự áp đặt đến nghẹt thở cho con. Theo các nhà tâm lý học thì đây là việc làm phản khoa học. Cha mẹ cần phải biết phân biệt giữa khuyến khích và gây sức ép, cái gì quá gượng ép đều có thể dẫn đến điều ngược lại.
6. Cô lập với xã hội
Trẻ em cần được vui chơi với những đứa trẻ đồng trang lứa. Nếu chỉ giao tiếp với người lớn sẽ khiến con mất đi sự hồn nhiên cần có so với độ tuổi của mình. Vì vậy hãy cho chúng chơi đùa, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè để phát triển hài hòa các hành vi xã hội, dễ hòa đồng và thân thiện với mọi người. Ngoài ra việc có những người bạn thân từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành cũng mang đến những cơ hội hợp tác và thành công sau này trong cuộc sống.
7. Tạo hình tượng xấu cho con học theo
Trong cuộc sống, con cái thường có xu hướng ngưỡng mộ cha mẹ và muốn được như cha mẹ chúng. Mọi hành vi của cha mẹ hằng ngày đều có thể trở thành đối tượng để trẻ làm theo. 1 đứa trẻ khi nhìn thấy người khác hút thuốc nó sẽ tự cho rằng đó là việc được khuyến khích và một lúc nào đó sẽ thử làm. Vì vậy, nếu muốn con phát triển tốt, trước hết bạn nên là những phụ huynh mẫu mực.